Thu gần nửa tỷ đồng/năm nhờ nuôi con "ngồi chồm hổm"
Ông Lê Văn Phượng, 51 tuổi, thôn Mưu Nha, xã An Nông, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), là chủ cơ sở cung cấp ếch thương phẩm và nuôi ếch lớn nhất ở địa phương. Mỗi năm, gia đình ông xuất bán hơn 30 tấn ếch thương phẩm, 10.000 con ếch giống, thu lãi gần 500 triệu đồng.
Mô hình này cũng tạo việc làm ổn định cho 5 lao động địa phương với mức lương hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Phượng cho biết, nuôi ốc, ếch, lươn, chạch là nghề truyền thống của địa phương.
Năm 1998, thấy nhiều người dân trong thôn có của ăn, của để nhờ nuôi ếch, ông Phượng vay mượn, xây dựng ao nuôi. Sau 3 năm bén duyên với nuôi con "ngồi chồm hổm", từ một hộ nghèo bền vững, ông Phượng vươn lên thoát nghèo.
Năm 2014, ông Phượng quyết định "chơi lớn" khi rút 70 triệu đồng, mở rộng mô hình phát triển kinh tế.
"Tôi lấy hết tiền tiết kiệm, thuê đất bỏ hoang ở cánh đồng Trào, xây dựng ô, nhà nuôi. Vợ tôi giận, khóc nhiều. Để phản đối, bà ấy từ mặt tôi nửa tháng, không ra trại dọn dẹp", ông Phượng nhớ lại chuyện 10 năm trước.
Bà Lê Thị Hương (50 tuổi, vợ ông Phượng) cho hay, lý do bà kịch liệt phản đối việc mở rộng mô hình nuôi ếch là bởi, cánh đồng Trào có địa thế thấp, hễ trời mưa là lụt. Không chỉ vậy, lâu nay, gia đình quen với việc chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ.
"Tôi giận chồng khi có nhà không ở mà lại ra "đồng không mông quạnh" làm lều chăn nuôi. Nuôi ít thì bán dễ, nuôi nhiều không biết bán cho ai. Tôi lo làm lớn, nếu thất bại sẽ phá sản, đẩy gia đình lâm cảnh túng quẫn", bà Hương nói.
Mặc cho vợ giận, gia đình phản đối, ông Phượng ra cánh đồng hoang, tự tay phát cỏ rậm, đào đất, xây dựng ô, chuồng nuôi. Ông nuôi chạch, lươn, ếch, ốc và cá rô đầu vuông.
Theo ông Phượng, thời điểm đó, nuôi con gì cũng thuận lợi cho thu nhập ổn, nhưng ếch là loài dễ nuôi, ít bệnh; chi phí đầu tư thấp mà lại cho thu lãi "khủng". Mỗi tấn ếch lời hàng chục triệu đồng.
Từng bị vợ từ mặt đến đồng cam cộng khổ
Đang chăn nuôi thuận lợi thì mùa hè năm 2017, mưa lớn kéo dài, nước ở cánh đồng Trào dâng cao, nhấn chìm hết các chuồng nuôi, lứa ếch của gia đình ông Phượng đang đến kỳ cất bán cũng theo dòng nước lũ, trôi đi hết.
"Trắng tay, tôi cũng mất ăn, mất ngủ. Vợ tôi khóc ròng cả tuần trời. Tôi nghĩ bà ấy sẽ giận, bắt tôi từ bỏ giấc mơ nuôi ếch như 3 năm trước. Nhưng không, nước rút, vợ cùng tôi dọn dẹp, bắt đầu nuôi lứa mới. Bà ấy động viên, làm tôi phấn chấn", ông Phượng kể.
Chia sẻ bí quyết nuôi ếch đạt năng suất cao, ông Phượng cho hay, việc chọn giống ếch vô cùng quan trọng. Người nuôi phải lựa những con ếch to, khỏe. Chuồng nuôi phải yên tĩnh, tránh ồn ào, làm ếch hoảng sợ, sẽ lẩn trốn, không chịu ăn, chậm lớn.
Nguồn nước nuôi phải sạch sẽ (nước tốt cho ếch nuôi trong bể xi măng là nước giếng khoan), cứ 2 ngày lại thay nước 1 lần.
Ếch ưa sống trong môi trường mát mẻ nên nhà nuôi phải bố trí mái che để cản bớt ánh nắng chiếu trực tiếp. Nếu nắng nóng kéo dài cần che thêm lưới đen để làm mát, nhưng chỉ che một phần vì ếch là loài lưỡng cư, cũng cần tắm nắng, sưởi ấm. Thức ăn của ếch chủ yếu là cám viên.
Với 10.000m2 nhà nuôi, mỗi năm gia đình ông Phượng nuôi 2 lứa ếch thịt, 6 lứa ếch giống. Một lứa ếch thương phẩm có thời gian nuôi khoảng 3 tháng, ếch giống nuôi trong vòng 40 ngày.
Ếch sinh trưởng và phát triển tốt từ tháng 2 đến tháng 9 âm lịch hằng năm. Mùa đông đến, tiết trời lạnh, ếch "ngủ đông", chậm lớn, ông Phượng không nuôi.
Sau 10 năm nuôi ếch quy mô lớn, ông Phượng đi nhiều nơi, chia sẻ cho nông dân kỹ thuật chăn nuôi. Số tiền có được từ nuôi ếch, giúp ông xây nhà, mua ô tô, gửi tiết kiệm. Ông Phượng vui khi có vợ "đồng cam cộng khổ", xây dựng kinh tế gia đình.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã An Nông, cho biết, ông Lê Văn Phượng là nông dân đầu tiên trên địa bàn xã xây dựng mô hình phát triển kinh tế quy mô lớn, mang lại hiệu quả cao tại cánh đồng Trào.
Thấy ông Phượng thành công, giàu lên từ phát triển kinh tế trang trại quy mô lớn, người dân trong và ngoài tỉnh đến tham quan, học hỏi. Không giữ riêng cho mình, người nông dân này, hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ khác kỹ thuật nuôi.
0 nhận xét:
Post a Comment