Đột phá trong tuyển dụng nhân sự nhờ đào tạo kép
Tại ngày hội việc làm ngành du lịch vừa diễn ra ở TPHCM, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố, cho biết ngành du lịch thành phố những tháng đầu năm đã đạt được những con số ấn tượng về lượt khách cũng như doanh thu.
Với tín hiệu khởi sắc trên, ngành du lịch TPHCM đặt mục tiêu năm 2024 sẽ đón khoảng 6 triệu lượt khách quốc tế, 38 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu ước đạt 190.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngành du lịch thành phố đang đối mặt với khó khăn lớn là rất khó tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm. Nguyên nhân là nhiều lao động lành nghề đã chuyển sang làm công việc khác trong giai đoạn bùng phát dịch Covid-19.
Sau 2 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhân sự ngành du lịch TPHCM xuất hiện một khoảng trống lớn. Phần lớn lao động hiện nay là sinh viên mới ra trường, doanh nghiệp phải tốn công đào tạo lại mới có thể làm việc.
Theo thống kê 5 tháng đầu năm 2024 của Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong lĩnh vực khách sạn, du lịch và dịch vụ, nguồn cung lao động chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Ở lĩnh vực ẩm thực, nguồn cung càng ít hơn, doanh nghiệp cần tuyển 7.000 lao động nhưng chỉ có 257 lao động đăng ký tìm việc.
Trong bối cảnh đó, có những doanh nghiệp du lịch tìm được hướng đột phá cho việc bổ sung nhân sự bằng cách hợp tác với các trường nghề, tham gia chương trình đào tạo kép (mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp) mà Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) khởi xướng.
Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng khối Ẩm thực khách sạn Oscar Saigon, cho biết: "Trong quá trình hướng dẫn sinh viên khi tham gia chương trình đào tạo kép, chúng tôi có thể phát hiện những nhân tố xuất sắc, phù hợp với vị trí việc làm mà mình đang thiếu. Khi cần, chúng tôi có thể tuyển dụng ngay mà không phải tìm kiếm, liên hệ, phỏng vấn, đào tạo lại…".
Theo ông Thành, việc hợp tác với các trường nghề, tham gia đào tạo kép ban đầu là trách nhiệm xã hội của đơn vị nhằm góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành du lịch thành phố. Sau đó, việc này tạo ưu thế cho đơn vị trong việc tuyển dụng nhân sự những năm gần đây.
Ông Thành chia sẻ: "Sau dịch, rất nhiều lao động ngành du lịch đã bỏ nghề, chuyển sang làm nghề khác, các doanh nghiệp trong ngành đều than khó tuyển dụng nhân sự khi du lịch phục hồi. Nhưng riêng chúng tôi thì không lo".
Đào tạo kép mang lại lợi ích cho cả 2 bên
Ngày 10/6, trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM đã tổ chức lễ bế giảng thực hành 2 môn Nghiệp vụ buồng và Nghiệp vụ nhà hàng cho 78 sinh viên của trường tại khách sạn Oscar Saigon. Trong 2 tháng, 78 sinh viên đã có cơ hội học thực hành bằng công việc thực tế tại Oscar Saigon, phục vụ chính khách hàng của khách sạn.
Ông Lê Văn Bình, Giám đốc khách sạn, chia sẻ: "Với phương pháp dạy là nhân viên lâu năm có kinh nghiệm chỉ dẫn tận tay từng thao tác, các sinh viên sau khóa học đã biết quy trình phục vụ buffet theo từng bữa khác nhau, bố trí bàn ăn phong cách Á - Âu, quy trình phục vụ buồng phòng…".
"Chỉ sau 2 tháng, các em tự tin về kỹ năng của mình, hiểu nội quy phục vụ khách tại khách sạn, tuân thủ kỷ luật, chuẩn chỉnh tác phong khi làm việc. Thành quả học tập của các em còn được đánh giá khách quan nhất từ chính khách hàng mà các em phục vụ", ông Bình nhận xét.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng khối Ẩm thực khách sạn Oscar Saigon, cách dạy tận tay chỉ việc trong môi trường làm việc thực tế sinh động và dễ tiếp thu hơn so với việc học qua clip hướng dẫn, thiết bị mô phỏng tại trường học.
Em Nguyễn Mai Ly, sinh viên năm 2 ngành Quản trị khách sạn Cao đẳng Kinh tế TPHCM, cho biết: "Em học được những kiến thức nền tảng, thực tế công việc 2 nghiệp vụ quan trọng nhất của ngành quản trị khách sạn. Khi thực hành, chúng em được đánh giá, góp ý những khuyết điểm của từng người để sửa sai, làm tốt hơn".
Tiến sĩ Nguyễn Đặng An Long, Phó hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế TPHCM, khẳng định đào tạo kép là mô hình ưu việt của hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Trường đã chủ động tìm kiếm doanh nghiệp lớn có uy tín để hợp tác đào tạo, nghiên cứu, trao đổi giảng viên và nhân viên để giảng dạy, thực tập doanh nghiệp. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng là "đầu ra", nguồn tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp.
"Qua thực tiễn đào tạo, tôi nhận thấy mô hình này rất cần thiết với giáo dục nghề nghiệp. Đào tạo kép giúp nâng cao chất lượng đào tạo nghề nhờ gắn với thực tế làm việc, nâng cao hiệu quả đào tạo nghề vì hướng tới đào tạo theo địa chỉ sử dụng, tiết kiệm vốn đầu tư kỹ thuật cho trường dạy nghề…", tiến sĩ An Long chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Thành, không chỉ sinh viên và nhà trường được lợi, ngay chính doanh nghiệp tham gia mô hình đào tạo kép cũng nhận được không ít lợi ích.
Ông lấy ví dụ, trong 78 sinh viên Cao đẳng Kinh tế TPHCM mới hoàn thành khóa thực tập tại khách sạn Oscar Saigon, có không ít em "rơi vào tầm ngắm" để khách sạn này tuyển dụng khi có nhu cầu.
0 nhận xét:
Post a Comment